Cải cách ruộng đất: Hồi thứ hai - Dân Làm Báo

Cải cách ruộng đất: Hồi thứ hai

Đại Nghĩa (Danlambao) - Cuộc CCRĐ Hồi Thứ Nhất với mục tiêu lừa đảo là Người Cày Có Ruộng kéo dài từ năm 1953 đến năm 1956 đã diệt chủng long trời lở đất đến phải sửa sai và chấm dứt. Trong khi “bác Hồ” đóng phim nhỏ vài giọt lệ khóc những người chết oan thì Võ Đại tướng phải thay mặt cụ và Tổng bí thư Trường Chinh đứng ra nhận sửa sai. Nhưng rồi sau những màn kịch ấy nhà văn Trần Mạnh Hảo đã sớm nhận ra trò ma giáo:

Rằng cải cách đã chia ruộng cho dân nghèo. Để hai năm sau, năm 1958, phong trào hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp đã cướp hết ruộng đất, trâu bò, cày cuốc… của nông dân nghèo vừa được chia ruộng, gom vào trong tay một tên đại địa chủ khét tiếng khác có tên là nhà nước”. (DanChimViet online ngày 11-9-2014)

Trần Đĩnh đã nói rõ thêm:

Nông dân vừa được giải phóng đã tước luôn ruộng đất và cùm ngay chân tay họ ở trong hợp tác xã”. (Đèn Cù - trang 306)

Khi tư thế đã vững vàng nhà cầm quyền CSVN nhẹ nhàng chuyển sang Cải Cướp Ruộng Đất với mục đích là Người Cày mất Ruộng qua chủ trương lừa dối: “Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” rồi tuần tự đưa ra luật “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” để cướp đất của dân một cách “đúng luật rừng”. Để thi hành mưu gian nói trên, nhà cầm quyền CSVN đã phóng tay “cưỡng chế đất của người cày”. Chứng kiến cảnh ăn cướp tàn bạo này linh mục Phan Văn Lợi, người đang sống tại Huế đã lên tiếng trên đài Little SaiGon phát thanh ở Nam California ngày 22-7-2007 nhân cuộc biểu tình của Dân oan trước Quốc hội bù nhìn, Linh mục Lợi nói:

Đảng, Nhà nước, Quốc hội CSVN lại phạm thêm một tội ác với dân tộc. Cuộc CCRĐ Hồi Thứ Hai đã đến đỉnh điểm. Nay không phải là những địa chủ, phú nông giàu có, nhưng là những nông dân nghèo khổ với mảnh ruộng nhỏ bé, với ngôi nhà thô sơ, với ước mơ đơn giản nhưng một sáng một chiều bị đẩy ra lề đường, phải che mái lá cạnh ngôi nhà cũ của mình, phải mót lúa trên chính ruộng xưa của mình, phải ngửa tay xin ăn trước ông chủ giờ đây đang vênh váo kiêu căng xây dựng cơ ngơi trên những mảnh đất cướp trắng của họ”. (DoiThoai online ngày 23-7-2007)

Để hợp pháp hóa việc cướp ruộng đất lại từ tay nông dân, CSVN ra lệnh cho Quốc hội bù nhìn đưa vào Hiến pháp luật “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” do nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý. Luật đất đai sửa đổi năm 2013 được 448/473 tên gia nô bấm nút mà theo sự nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS khi trả lời phỏng vấn của BBC, ông nói:

“Hiến pháp thông qua ngày hôm qua còn hợp hiến hóa cho việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội. Những dự án cho xã hội kinh tế như thế trong luật đất đai trước kia là quy định vi hiến so với Hiến pháp năm 1992.

Dù biết đó là quyết định vi hiến, hôm qua, 29-11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua một hiến pháp giúp hợp hiến hóa cho điều này…

Khái niệm ‘sở hữu toàn dân’ là một khái niệm không đầy đủ. Khái niệm ‘toàn dân’ là một khái niệm dùng để đánh tráo một khái niệm chính xác hơn, lẽ ra phải gọi là ‘sở hữu công’, hoặc ‘sở hữu nhà nước’, có một chủ thể, một pháp nhân cụ thể, đó là chính phủ hay là một UBND nào đấy vì cơ quan đó có tư cách pháp nhân, là chủ sở hữu của một lô đất nào đó cụ thể. Có như thế mới gọi là chủ sở hữu.

Còn ‘toàn dân’ không thể là một khái niệm kinh tế cụ thể để thực thể đó có thể sở hữu gì cả”. (BBC online ngày 29-11-2013)

Hiến pháp sửa đổi năm 2013, một lần nữa cho thấy rõ cái dã tâm của bọn CS cầm quyền vì lợi ích của bầy sâu mà làm những chuyện trái với luật pháp.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã giải thích và phân tích rõ cái hậu ý gian manh của điều luật mơ hồ để qua đó CSVN dễ bề thao túng.

“Chính cái cơ chế ‘Đất đai thược sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý’ là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là ‘sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt mọi đám ‘cướp ngày’, nó cần được hủy bỏ.

Việc duy trì điều luật này không còn là sai lầm về nhận thức mà là tội phạm có ý thức, nó cần được hủy bỏ.

Điều luật này là điều luật béo bở cho các quan, nhưng là nỗi hãi hùng cho dân, nó biến cái Chung mạo danh nhân dân thành cái Riêng của các quan, sở hữu ‘toàn dân’ biến thành sở hữu ‘toàn quan. (Boxitvn online ngày 20-2-2012)

Do lòng tham chủ đạo cho sự tráo trở nên CSVN đã làm những việc vô đạo đức và trái với luật pháp mà họ đã ban ra. Ngày xưa CCRĐ thì được thực hiện qua những ông ‘nhất đội, nhì trời’, ngày nay thì do những cường hào ác bá địa phương cưỡng chế (ăn cướp) bằng cách điều động những quân đội nhân dân, công an nhân dân, côn đồ nhân dân, dân phòng… dùng bạo lực để cướp đoạt những mảnh đất nơi có mồ mả ông bà của người nông dân từ bao đời để bán lại cho những địa chủ, tư bản mới hoặc người nước ngoài như Tàu cộng chẳng hạn.

Ông Hoàng Kim ở tỉnh Đồng Tháp chua xót viết bài “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân: xưởng sản xuất dân oan” để nói lên nỗi bức xúc của mình:

“Nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân là nói tránh, nói đúng thì đất đai thuộc sở hữu nhà nước… Nhà nước Trung ương ở xa quá, nên đất đai thuộc sở hữu của nhà nước địa phương. Đất đai thuộc quyển sở hữu của nhà nước địa phương, có nghĩa là đất đai thuộc sở hữu của ông chủ tịch tỉnh, ông chủ tịch huyện (gọi chung là sứ quân địa Phương).

Với quyền lập dự án tùy ý, không ai kiểm tra được; quyền ra quyết định thu hồi, nông dân không có quyền cưỡng lại; quyền bồi thường tùy thích hoặc không bồi thường, nông dân không có quyền mặc cả; quyền thành lập đoàn cưỡng chế gồm công an, bộ đội để khống chế mọi ngăn trở bằng vũ lực…, mỗi ông lãnh đạo địa phương trở thành hung thần đối với đất đai của nông dân, trở thành sứ quân với Trung ương”. (Boxitvn online ngày 26-2-2012)

Hoàn cảnh của những người nông dân nghèo bị cướp ruộng cày rất bi thảm, một người nông dân ở tỉnh An Giang thổ lộ với đài RFA như sau:

“Chúng tôi có đơn tố cáo ông Nguyễn Minh Vị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, vì mục đích tư lợi cá nhân, lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt đất chúng tôi, lấy hết làm của riêng, lấy hết tài sản của chúng tôi, không chừa một cái quần rách cho vợ con tôi thay đổi. Nhiều lần bắt gia đình và mấy đứa con gái tôi còng trói, nắm lôi đầu đem về huyện giam 5 tháng…

Tôi đã từ địa phương tới trung ương, tới Sài Gòn, Hà Nội trên 31 năm nay rồi đó ông. Bây giờ tôi che chòi ở dưới mé kinh đầu đất cũ, sống cảnh màn trời chiếu đất. Con cháu tôi bỏ học đi làm mướn làm thuê vậy đó để kiếm sống qua ngày”. (RFA online ngày 9-10-2008)

Sau khi “cưỡng chế” đất đai của nông dân nghèo “cộng lại” người đảng viên cộng sản nghiễm nhiên trở thành địa chủ mới.

“Dinh thự hoành tráng, vườn cao su bát ngát của chủ tịch Bình Dương?

Nằm gọn trong khuôn viên đất khoản 1.000 m2, dinh thự này nổi bật giữa xung quanh là những ngôi nhà nhỏ bé của người dân. Tư gia ông Chín Cung được xây dựng hiện đại, tráng lệ, nhiều phòng ốc, với tường cao kiên cố xây rất đẹp, bao bọc cẩn mật tứ phía… Bên trong sân nhà có rất nhiều loại cây kiểng đắt tiền được trưng bày…

Đến vườn cao su ‘khủng’ đẹp nhất vùng!...

Tuy nhiên người ta cứ phỏng chừng diện tích cao su của ổng là trên dưới 100 ha…” (Vietnamnet online ngày 20-8-2014)

Trong chiến dịch CCRĐ Hồi Thứ Hai này đảng CSVN tập trung tài sản của dân nghèo cho cán bộ quyền thế “quản lý” như trường hợp quan thanh tra Trần Văn Truyền mấy mươi năm theo đảng mà nay nhờ ơn đảng ông có được một tài sản kếch xù khiến mấy “Người cao tuổi” phải ganh tị.

“Trước đó, báo chí liên tục phản ánh căn biệt thự quá sang trọng được cho là của ông Trần Văn Truyền, xây dựng trên khu đất rộng hơn 16.000 mét vuông tại ấp 2 xã Sơn Đông, TP.Bến Tre. Ngoài căn biệt thự trên, ông Truyền còn sở hữu một ngôi nhà mặt tiền tại trung tâm thành phố Bến Tre. Dư luận còn đặt nghi vấn ông Trần Văn Truyền và người thân đang sở hữu những căn biệt thự khác ở tại TP. HCM như ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Thảo Điền (quận 2)v.v.” (Motthegioi online ngày 1-8-2014)

Những hung thần địa phương, những con sâu bự trong đảng CS đã ngang nhiên cướp đất của dân cày để phục vụ cho tư bản đỏ, đại gia đen mà không nghĩ rằng những chủ ruộng ngày hôm nay không phải là “địa chủ ác ôn” mà là những người nông dân tay lắm chân bùn, là những người trong giai cấp “bần cố nông”.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới đây, một vị đại biểu nói: ‘Xây sân golf ở Thùy Dương 360 hộ nông dân đã bị tỉnh kết án nghèo’. Nông dân không còn đất sản xuất vì các dự án sân golf, nhà vườn resort… ‘đổ bộ’ xuống ruộng vườn, đó là thực trạng tại nhiều địa phương hiện nay…

Với sự kiên trì, từ mảnh đất hoang cách đây 30 năm, người nông dân ở các thôn 1-2 và 3 xã Thùy Dương đã tạo lập cho mình những mảnh vườn màu mỡ. Đó cũng là nguồn sống duy nhất của họ. Vậy mà, giờ đây hàng ngàn người dân đang thấp thỏm, hoang mang khi được thông báo là đất của họ chuẩn bị bị thu hồi để phục vụ cho dự án sân golf”. (VietNamnet online ngày 28-7-2008)

Thêm vụ “Xô xát cưỡng chế đất Hà Tĩnh làm sân golf” được đài BBC đưa tin:

Đồng bằng Bắc Trung bộ diện tích rất hẹp, một năm chỉ trồng được hai vụ lúa và trong nghị định của chính phủ chỉ cho phép sử dụng 4% đất nông nghiệp trong tất cả các dự án chứ không chỉ riêng sân golf. Vậy mà trong vụ này, gần như là 100% đất nông nghiệp bị tịch thu, người dân mất hoàn toàn công cụ sản xuất.

Bên cạnh đó, chính quyền còn không cung cấp cho dân biết giá trần đền bù, bắt bớ dân trái phép và đánh đập người khiếu kiện dã man, đe dọa, dụ dỗ, và nhiều biện pháp để chiếm đất đai của dân”. (BBC online ngày 12-12-2013)

Một vụ án cướp được mệnh danh là cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng mà hậu quả của nó là một vết nhơ của đảng CSVN trong trò “cướp ruộng của người cày”. Phát súng hoa cải lần đầu tiên bắn vào đầu bọn chó săn cưỡng chế mạo danh là thi hành công vụ làm cho xôn xao bọn cầm quyền Bắc bộ phủ và thành phố Hải Phòng. Đoàn Văn Vươn không phải là địa chủ ác ôn, mà là một cựu chiến binh cần cù đổ biết bao giọt mồ hôi mới tạo nên một mảnh đất mầu mỡ khiến bọn cướp ngày phải thèm muốn nên đã dùng cường quyền và bạo lực để chiếm đoạt, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh phán xét như sau:

“Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại”. (NguoiLaoĐong online ngày 16-1-2012)

Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp thông báo kết quả cuộc họp với các bộ, ngành và TP. Hải Phòng chiều ngày 10-2-2012, TT. Dũng nói:

“Quyết định thu hồi đất của ông Vươn với lý do hết hạn sử dụng cũng trái luật. Luật đất đai quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên.

Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật…

Thủ tướng kết luận, huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng”. (VietnamExpress online ngày 10-2-2012)

Việc cướp đất của ông Đoàn Văn Vươn đã rõ như ban ngày ấy thế mà cả gia đình ông Vươn vẫn phải ngồi tù với lý do chống người thi hành công vụ, nhưng ở đây vì tư lợi, nhà cầm quyền lợi dụng quyền hạn và chức vụ của mình để dùng lực lượng “nhân dân” cướp đất của nhân dân thì đây không được coi là thi hành công vụ, mà phải được gọi là thi hành tư vụ ăn cướp mới phải. Những hành vi tàn ác này biết đến bao giờ họ mới sửa sai?

“Thiếu tướng Phạm Chuyên, cựu giám đốc Công an Hà Nội hôm 10-2 cũng đã cùng một số nhân sĩ, trí thức xuống hiện trường vụ cưỡng chế để thăm khu nhà bị tàn phá của ông Đoàn Văn Vươn. Tướng Chuyên được trích lời trên một trang mạng Tự do đề nghị ‘cách chức bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố Hải Phòng và tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn”. (BBC online ngày 20-2-2012)

Những vụ cướp ruộng đất của người dân chẳng những không giảm mà còn lần sau cao hơn lần trước. Lần cướp đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng thì nhà cầm quyền xua chừng 100 bộ đội, công an đàn áp còn lần cướp đất ở Văn Giang, Hưng Yên theo lời kể của ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên thì:

“Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp thị, ông Thanh cho hay, lực lượng tham gia cưỡng chế và hỗ trợ khoảng 1.000 người, trong đó chủ yếu là công an huyện Văn Giang, với sự hỗ trợ của công an TỉnhBộ cũng như có sự chứng kiến của Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân. (Boxitvn online ngày 26-4-2012)

Và cuộc hành quân qui mô “long trời lở đất” ở Văn Giang được nhà văn Võ Thị Hảo kể:

“Sự cưỡng chế lần này quy mô lớn gấp cả chục lần số lượng và càng có phần không kém phần thù địch chống nhân dân của chính quyền, với những người chủ trương ra tay lấy đất của dân đã có tuyên bố trước, đầy dõng dạc. Sự ‘thù địch’ này đã tạo lên tiếng khóc xé ruột, thấu trời của hàng trăm hộ nông dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao - huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Tiếng kêu xé ruột của họ cũng bị khỏa lắp trong tiếng súng nổ, lựu đạn cay, tiếng gầm rú của máy xúc, máy ủi cùng tiếng đấm đá, đánh hội đồng của những kẻ cưỡng bức họ và những phần tử a dua, dấy máu ăn phần, những bàn tay sắt nối dài của chính quyền và những nhóm lợi ích.

Bóng những người nông dân khắc khổ, tay không vũ khí, không quyền lực, đói rách mong manh bị chìm ngập trong lực lượng vũ trang được công luận mô tả lên tới cả ngàn người từ phía chính quyền và nhà đầu tư dự án Ecopark”. (BBConline ngày 25-4-2012)

Vụ cướp đất cho dự án Ecopark khiến cho cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sau chuyến nghỉ hè về vội vã ngồi ngay vào bàn viết bày tỏ nỗi bức xúc về việc chính quyền CSVN đã dùng bạo lực để cướp đất ở Văn Giang…

“Thế là bắt đầu dấu hiệu nông dân bị giật mất bát cơm để làm giàu cho nhóm tư bản. Ecopark lợi gì cho quốc kế dân sinh?...Trước đây đầu tư cho địa ốc quá nhiều, xây nhà cao tầng thừa ế đã mất bao nhiêu đất ruộng, nay cần gì lại phải mất 500 hecta ‘bờ xôi ruộng mật’ cho dự án Ecopark Văn Giang? Ecopark xây chung cư và biệt thự cao cấp có công viên xanh để phục vụ cho một số người giàu có, các đại gia. Chỉ vì thế mà đẩy hàng ngàn hộ nông dân ra cuộc sống vật vờ vô định như biết bao hộ nông dân bị thu hồi ruộng đất ư?” (Boxitvn online ngày 10-5-2012)

Trước đây bà luật sư Ngô Bá Thành nguyên là đại biểu Quốc hội CSVN đã từng nói: “Ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi thực hiện lại áp dụng luật rừng”. Một vụ kiện cáo giữa nhà cầm quyền tỉnh Khánh hòa với người dân, chúng ta sẽ thấy luật rừng được áp dụng như thế nào, ngay cả báo chí của nhà nước cũng không thể làm thinh, đành phải đưa tin và nói rõ: “Đã thua kiện còn dỡ nhà dân”. Ôi công lý đang ở trong tay bọn cường quyền mang tên đảng CSVN.

“Như Thanh Niên đã phản ánh, vụ kiện về quyết định hành chính của UBND tỉnh Khánh Hòa giữa ông Đặng Đình Lạp và UBND tỉnh này đã kéo dài nhiều năm nay và dù bị tuyên thua kiện nhưng sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cưỡng chế thu hồi một phần ngôi nhà của ông Lạp vào sáng 22-7”. (ThanhNien online ngày 24-7-2014)

Ngày xưa Cải cách ruộng đất thì có nạn nhân là bà Nguyễn Thị Năm, ngày nay Cải cướp ruộng đất thì có nạn nhân là:

“Bà Nguyễn Thị Bảy là con dâu của bà mẹ anh hùng Việt Nam Nguyễn Thị Hợi và là vợ của liệt sĩ Dương Trung Hậu đã làm đơn khiếu nại bị các quan chức cướp nhà kiện đã 1/4 thế kỷ rồi không được, mặc dù bà đã hàng chục lần đăng đơn trên báo: Lao Dộng, Công Luận, Tiền Phong v.v… thế nhưng vẫn im lặng. Trong đơn có đoạn bà viết ‘Tôi đã là nạn nhân của giặc ngoại xâm giết chồng tôi, không lẽ tôi còn là nạn nhân của giặc nội xâm, của sự đối xử bất công, của tệ tham nhũng, cậy thế cậy quyền của một số quan chức coi thường đạo lý, luật pháp và dư luận”. (VietTide số 34 ngày 8-3-2002)

Nhà cầm quyền cộng sản trung ương đã bao che, tai ngơ mắt lắp cho bọn cường hào ác bá địa phương cướp đất của người dân mà mọi sự thưa kiện, khiếu nại không được giải quyết, chỉ nội trong năm 2010 đã phát sinh hơn 110 ngàn vụ.

Theo báo cáo của chính phủ, năm 2010, cả nước phát sinh hơn 110.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo; tăng so với cùng kỳ năm trước 17%. Thẩm tra báo cáo của chính phủ, UB pháp luật của Quốc hội nhận định: tình hình khiếu nại tố cáo vẫn diễn biến phức tạp”. (DanTri online ngày 7-9-2010)

Tình trạng nơi tiếp dân thì không tiếp dân làm cho nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ đã nói: “Rất nhiều nước mắt trong các cuộc tiếp dân”, là tựa đề bài viết trên báo điện tử Người Lao Động:

“Phổ biến tình trạng đùn đẩy khiến dân chẳng biết đến cửa nào. Các đoàn kiểm tra phải nhận 17.480 đơn.

Có những bức xúc của người dân lên quá cao và nước mắt trong những cuộc tiếp dân rất nhiều, nhiều trường hợp rất thương tâm. Không thể có ai xúi mà lên khóc lóc ròng rã như thế. Đại đa số là oan ức thực”. (NguoiLaoĐong online ngày 9-10-2005)

Ngày nay, một điều nghịch lý mà chỉ có trong cái cái CHXHCNVN là không cần bị cướp đất, người nông dân cũng tự động bỏ ruộng, bỏ đất vì chính sách thu tô của “địa chủ” quá nhiều loại phí làm người nông dân không “đóng” nổi. Hơn thế nữa kế hoạch thu mua vơ vét lúa của nhà cầm quyền “ép giá” khiến người nông dân có làm mà không có ăn. Do vậy, nhiều nơi và nhiều người đã trả ruộng cho “địa chủ” hay ngay cả ruộng của mình cũng phải bỏ vì “sưu cao thuế nặng”.

“Từ nhiều năm trở lại đây, tại Thanh Hóa, một nghịch lý đang diễn ra là người nông dân quay lưng lại với ruộng đất ngày một nhiều. Theo thống kê, hiện Thanh Hóa đã có hơn 10.500 hộ nông dân bỏ ruộng, trả ruộng không canh tác…

Một nguyên nhân nữa là ở một số địa phương, việc đóng góp nhiều loại phí được tính theo đầu sào (bảo vệ đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương…) nên nhiều hộ đã chủ động bỏ ruộng hoặc trả ruộng để giảm bớt các khoản đóng góp theo quy định của địa phương”. (DanTri online ngày 13-12-2013)

Một cú lừa ngoạn mục.

Đảng CSVN tiếp tục lừa và nhân dân Việt Nam tiếp tục bị lừa.

“Theo blog Xuân Diện, sáng nay 11-9-2014, bà con dân oan Dương Nội mặc áo thun với các dòng chữ đòi nhân quyền đã đến Bảo tàng lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất.

Đoàn người đi bộ đến bảo tàng, đứng trước cỏng để xem các thông tin về cuộc triển lãm trưng bày về CCRĐ. Lúc đó đã 11h trưa, bảo vệ nói đã hết giờ xem, hẹn bà con đến vào lúc 2h chiều. Bà con Dương Nội tản ra vườn hoa Cổ Tân gần đó để ăn và nghỉ trưa đợi đến giờ vào xem.

Đến hai giờ chiều, bà con vào thăm triển lãm thì lực lượng bảo vệ triển lãm bắt dân cởi áo mới cho vào bảo tàng. Khi bà con cởi áo xong để vào thì họ nói với bà con: Triển lãm cải cách gặp sự cố về ánh sáng nên tạm đóng cửa”. (BBC online ngày 11-9-2014)

Có lẽ đảng CSVN đóng cửa triển lãm cho đến khi đóng cửa đảng CSVN?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo