Thế chân vạc Mỹ-Nhật-Ấn - Dân Làm Báo

Thế chân vạc Mỹ-Nhật-Ấn

Nguyễn Thành Trí (Danlambao) - Sau khi được mời tham dự ngày Quốc Lễ Cộng Hòa của nước Ấn Độ - India’s Republic Day long trọng, có duyệt binh danh dự được điều khiển lần đầu tiên bởi một nữ sĩ quan Ấn, vào ngày 26/1/2015 Tổng Thống Obama đã xong chuyến viếng thăm Tân-Đề-Li trong ba ngày công du lần thứ hai ở nước Ấn-Độ. Ông Obama là vị tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao Mỹ-Ấn đã chính thức hai lần công du nước Ấn, lần thứ nhất vào năm 2010.

Người ta cũng đang chứng kiến trong Vùng Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương có một điểm hội tụ được thúc đẩy gia tăng sự hợp tác tam giác của ba nước lớn quan trọng là Mỹ, Nhật và Ấn vì các quyền lợi thiết yếu về kinh tế, thương mại và an ninh trong khu vực này. Nhật và Ấn là hai nước có nền dân chủ lớn và sinh hoạt chính trị tự do ở Châu Á, cũng nên nêu ra đây là có hai đảng cộng sản Ấn và đảng cộng sản Nhật hiện đang được phép hoạt động công khai và đảng viên cộng sản được tham gia bầu cử ứng cử tự do ở hai nước Nhật và Ấn. Sự hợp tác tam giác của ba nước làm nên Thế Chân Vạc Mỹ-Nhật-Ấn trong khu vực đang phát triển nhanh, chặt chẽ, và vững như “kiềng ba chân” để duy trì hòa bình, sự ổn định và quyền tự do lưu thông hàng không, hàng hải trong Vùng Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.

Trong 70 năm qua Hoa-Thịnh-Đốn đã không ngừng nâng cao tầm quan trọng của những quan hệ với Đông-Kinh và vẫn giữ vững lập trường cam kết bảo vệ, ủng hộ Đông Kinh trên bình diện quân sự, và thắt chặt hơn nữa những mối liên hệ kinh tế thương mại của hai nước Mỹ-Nhật. Một điều quan trọng hơn hết là Hoa-Thịnh-Đốn vẫn giữ vững vị trí của một lực-lượng-chủ-yếu-chủ-động duy trì an ninh cho toàn vùng Châu-Á Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.

Kể từ ngày thắng cử chức vụ thủ tướng nước Nhật trong năm 2013 Ông Abe Shinzo đã từng tuyên bố rõ ràng quan điểm lãnh đạo nước Nhật của ông là tăng cường vai trò của nước Nhật trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ cùng quan điểm với Nhật và ủng hộ việc Nhật tăng cường quân sự và mở rộng vai trò của Nhật trên mọi phương diện có qui mô quốc tế.

Riêng nước Ấn Độ trong mười năm vừa qua đã thực hiện chính sách “Nhìn Về Hướng Đông/Look East Policy để mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế thương mại của Ấn và nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự Ấn trên toàn Châu Á và được nhấn mạnh ở Ấn Độ Dương. Vào mùa Xuân năm 2014 Ông Narendra Modi đã thắng cử chức vụ thủ tướng Ấn và ngay sau khi đã nhậm chức lãnh đạo nước Ấn thì Ông Modi đã gia tăng các hoạt động ngoại giao của Tân Đề Li với nhiều nước trên thế giới, và ưu tiên quan trọng nhất là với Mỹ và Nhật. Ông Modi cũng đã đi công du ở Đông Kinh và Hoa Thịnh Đốn trong thời gian gần đây.

Một cách khách quan người ta nhận xét cả ba nước Mỹ, Nhật, và Ấn trên nhiều phương diện rõ ràng là những nước đối tác hòa hợp tự nhiên với nhau. Cả ba nước đều là các quốc gia có nền dân chủ lớn, sinh hoạt chính trị tự do, và có nền kinh tế lớn trên thế giới. Ba nước Mỹ, Nhật, và Ấn đã kết hợp với nhau bởi một cơ cấu chiến lược hai-biển-lớn Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mà mỗi nước đều chia sẻ quyền lợi địa chính trị, quyền tự do hàng hải và kinh-thương trong khu vực có liên quan.

Khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương rõ ràng là một khu vực có nhiều tiềm năng kinh-thương lớn và đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh. Cả ba nước Mỹ, Nhật, và Ấn đều hiểu rõ tầm quan trọng của khu vực này, vì cả ba nước đều là các thành phần trọng yếu của nó. Các chính phủ Mỹ, Nhật, và Ấn đều có nỗ lực tìm kiếm những đối tác mới, hoặc là những đối tác cũ nhưng hiện có những khả năng mới để họ có thể cùng nâng cao mức phát triển toàn diện, đồng bộ, và đồng thời mở rộng ra các vùng ảnh hưởng của họ. Cả ba nước Mỹ, Nhật, và Ấn kết hợp lại với nhau trong “thế chân vạc” vững chắc như kiềng ba chân, họ cư xử hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau và thương lượng bình đẳng với nhau như các đối tác kinh tế, thương mại, quân sự và chiến lược quan trọng. Họ cùng đánh giá cao tất cả những nguồn tài nguyên quốc gia mà mỗi nước Mỹ, Nhật, và Ấn đã đang sở hữu và bảo vệ.

Riêng chính phủ Ấn đang kêu gọi sự trực tiếp đầu tư tài chánh và chuyển nhượng kỹ thuật cao cấp của Mỹ và Nhật vào nước Ấn để giúp làm tăng nhanh mức phát triển kinh tế và kỹ thuật của Ấn. Cả ba nước Mỹ, Nhật, và Ấn đều đồng thuận làm ra những nguyên tắc và các chính sách hòa hợp đối tác để tạo sự dễ dàng gia tăng đầu tư, hợp doanh xuyên quốc gia, kết hợp chung các công ty cùng ngành của mỗi nước, và chuyển nhượng kỹ thuật cao cấp giữa ba nước với nhau. Chính phủ Ấn hiện đang tích cực hiện đại hóa quân đội Ấn, và Mỹ đang là một nguồn ưu tiên quan trọng cung cấp đủ loại vật dụng quốc phòng cho quân đội Ấn.

Tân Đề Li và Đông Kinh đã mở rộng hợp tác quân sự khi hải quân Nhật và hải quân Ấn đã từng tập trận chung với nhau, và quan trọng hơn nữa là hai nước thường xuyên có những cuộc đối thoại quốc phòng để chú ý nhiều hơn nữa về an ninh hàng hải và trao đổi ý kiến về các biện pháp chống khủng bố quốc tế. Trong một tương lai không xa Nhật sẽ chuyển nhượng cho Ấn sáu chiếc tàu ngầm tối tân hiện đại và có thể tàng hình hoạt động bằng năng lượng nguyên tử. Đối với Mỹ và Nhật thì Ấn là một đối tác kinh tế, thương mại, quân sự, và chiến lược rất quan trọng trong vùng hai-biển-lớn Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Hãy nói một cách giản dị, dễ hiểu Ấn rõ ràng là trọng tâm của những tính toán kinh tế, thương mại và an ninh của Mỹ và Nhật ở Châu Á.

Khi Trung Quốc không còn giữ được vị trí “xí nghiệp gia công sản xuất” cho các công ty Mỹ và Nhật nữa, thì Ấn là một đối tác tốt nhất có thừa khả năng thay chỗ Trung Quốc. Hơn nữa cái thị trường tiêu thụ ở trong nước Ấn rất rộng lớn và sức mua bán tự do đang lớn mạnh nhanh. Quan trọng hơn nữa là nước Ấn còn nằm trên nhiều trục-giao-lộ xuất-nhập-cảng của những thị trường Châu Á, Châu Phi, và Trung Đông. Có một điều đáng chú ý là nước Ấn trên mặt trận an ninh, chống khủng bố quốc tế, duy trì hòa bình ổn định trong hai khu vực là Nam-Á và Biển Ấn Độ trong cơ cấu chiến lược hai-biển-lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thì nước Ấn được đánh giá là có đủ khả năng mạnh để đảm nhận những trọng trách này.

Khu vực Nam Á là một nơi có dân số nhiều và đang tăng nhanh, nhưng chậm phát triển và có nhiều thử thách trong vấn đề giữ gìn an ninh ở các địa phương khi có những cuộc bạo loạn. Hơn nữa, khi xem xét các mục tiêu an ninh hàng hải và bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển Ấn Độ Dương, thì nước Ấn có đủ khả năng quân sự và hải quân mạnh để là một đối tác quan trọng cần thiết được phối hợp liên hoàn giữa ba nước Mỹ-Nhật-Ấn cùng nhau bảo vệ an toàn cho các quyền lợi của ba nước này ở Châu Á và hai biển lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hiện nay nước Mỹ đang thực hiện một cuộc cách mạng kỹ thuật mới và thành công trong việc khai thác dầu thô và khí đốt. Kết quả của cuộc cách mạng kỹ thuật mới này khiến cho nước Mỹ trở thành một nước lớn xuất cảng dầu-khí nhiều nhất trên thế giới. Dĩ nhiên nước Mỹ sẽ là một nguồn cung cấp dầu-khí chính yếu cho hai nước Nhật và Ấn, và hai nước này cũng sẽ được hưởng những đặc quyền khi nhập cảng dầu-khí của Mỹ.

Cả ba nước Mỹ-Nhật-Ấn có chung một chủ trương là thông qua những cuộc tập trận chung, những cuộc hội nghị khu vực, những cuộc hội nghị song phương, những cuộc đối thoại tham khảo vấn đề chung có cùng sự quan tâm để thúc đẩy gia tăng hiểu biết lẫn nhau và hợp tác nhiều hơn với tất cả các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Cũng có nhiều công việc cần thiết cấp bách dành cho cả ba nước Mỹ-Nhật-Ấn cùng làm với nhau. Mỹ và Nhật là những nước đã phát triển, sẽ cùng giúp đỡ cho Ấn gia tăng sự phát triển toàn diện nhanh hơn. Khi đã xác định những tiềm năng kinh tế, thương mại của Ấn vẫn còn chưa được khai thác sử dụng đúng mức ở trong nước Ấn, thì đó cũng là những cơ hội đầu tư rất tốt cho các công ty của Mỹ và Nhật.

Chính phủ Ấn đã quyết tâm chú trọng xây dựng cho được một nền tảng kỹ nghệ mạnh hơn để thích hợp hơn trên bình diện dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế. Để sớm đạt được mục tiêu này, chính phủ Nhật đã cam kết đầu tư và thực hiện việc nâng cấp hệ thống giao thông hạ tầng cơ sở trong nước Ấn và những hành lang kỹ nghệ đa dụng đa năng, đáng chú ý nhất là Hành Lang Kỷ Nghệ Delhi-Mumbai. Chính phủ Mỹ đã xác định mục tiêu để đóng góp các nguồn tài nguyên của Mỹ và những khả năng chuyên môn, kỹ thuật cao cấp của Mỹ nhắm vào hiệu quả cao trong việc giúp nước Ấn phát triển toàn diện, đồng bộ.

Cả ba nước Mỹ, Nhật và Ấn đều áp dụng nguyên tắc cư xử “Tôn Trọng Mình, Tôn Trọng Người”, vì thế luôn luôn cổ võ và ủng hộ một nghị trình ngoại giao nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, ôn hòa giải quyết các cuộc tranh chấp, và giữ vững các tiêu chuẩn pháp lý, qui tắc quốc tế. Cả ba chính phủ Mỹ, Nhật và Ấn đều đồng thuận với nhau về việc hợp tác xây dựng một nền tảng hòa bình dân chủ vững chắc và thịnh vượng lâu dài cho cả hai vùng Nam Á và Trung Á. Trong nhiều thập niên vừa qua nước Ấn đã từng có những đóng góp đáng kể trong nhiệm vụ Lực Lượng Giữ Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc. Còn hơn thế nữa, hiện nay nước Ấn cũng có thể gia tăng sự phối trí các nguồn tài nguyên nhân-vật-lực để trở thành một đối tác thiết yếu, quan trọng để duy trì ổn định an ninh cả Vùng Châu Á Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.

Còn về việc sử dụng năng lượng nguyên tử dân sự và việc áp dụng những kỹ thuật cao cấp khai thác không gian dân sự, cả ba nước Mỹ, Nhật và Ấn đã đang hợp tác chặt chẽ với nhau, tin tưởng lẫn nhau khi chia sẻ những “kỹ thuật nhạy cảm” để cùng hưởng thụ những lợi ích chung. Càng quan trọng hơn nữa là sự hợp tác kỹ thuật cao cấp của ba nước Mỹ, Nhật và Ấn có thể góp phần đáng kể vào việc tạo ra những luật lệ quốc tế nhằm mục đích chủ yếu là duy trì “Không Gian Hòa Bình”, ngăn cản các quốc gia nào đó sử dụng không gian để gây chiến tranh, hoặc để gây gián đoạn, hoặc để gây nhiễu loạn các hoạt động khoa học không gian phục vụ lợi ích chung của các nước trên thế giới. Vì cả ba nước Mỹ, Nhật và Ấn đều đã thường xuyên bị những “Tin Tặc Đối Nghịch” tấn công trên “Không Gian Ảo”, nên sự hợp tác của ba nước càng chặt chẽ nhiều hơn nữa để ngăn chặn, làm vô-hiệu-hóa đối phương. Với mức độ hiệu quả cao của sự chia sẻ thông tin chính xác và hợp tác bảo vệ không-gian-ảo của ba nước Mỹ, Nhật và Ấn có thể một cách thiết thực bảo vệ được những quyền lợi thương mại, kinh tế, và quân sự quốc phòng của cả ba nước.

Mặc dù có những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế và an ninh đất nước nhưng ở hai nước Nhật và Ấn hiện có hai đảng cộng sản Nhật và Ấn công khai hoạt động dưới chiêu bài yêu nước, yêu quốc gia dân tộc “Chống Mỹ Cứu Nước” Nhật và Ấn không bị lệ thuộc làm chư hầu của Mỹ, nên hai đảng cộng sản Nhật và Ấn nhiều khi đã tổ chức biểu tình chống Mỹ, đốt cờ Mỹ, đuổi Mỹ về nước để dẹp bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ, vân… vân chống Mỹ dài dài như vừa rồi đảng cộng sản Ấn đã tổ chức biểu tình phản đối TT Obama đến viếng thăm Tân Đề Li.

Cũng có người phân tích tình hình Châu Á đã nhận định rằng sự kết hợp tam giác Mỹ, Nhật và Ấn là để trực tiếp đối phó Trung Cộng trong khi cả ba nước đều có những quan hệ ngoại giao rất phức tạp với Trung Cộng, bởi vì tính cách quan hệ giữa Mỹ-Trung Cộng, Nhật-Trung Cộng và Ấn-Trung Cộng vừa là đối tác vừa là đối thủ, vừa là bạn vừa là thù trên một số lãnh vực quan trọng đã từng có tranh chấp chưa được giải quyết dứt khoát. Mặc cho Trung Cộng đôi khi tỏ ra ngang ngược không tôn trọng luật pháp quốc tế và không tôn trọng các nước khác trong khu vực, cũng như một cách gián tiếp Trung Cộng không tự tôn trọng chính mình; lần đầu tiên trong mùa hè năm 2014 Mỹ cũng đã mời Trung Cộng tham dự một cuộc tập trận chung ở Vành Đai Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức cùng với một số nước khác trong khu vực nhằm mục đích tạo sự tin tưởng lẫn nhau trong vấn đề duy trì sự ổn định, giữ gìn an ninh trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, mà Trung Cộng cũng phải là một thành viên trong đó. Vấn đề còn phải hỏi lại là tùy theo thái độ đáp ứng của Trung Cộng như thế nào đối với liên minh Mỹ-Nhật-Ấn. Tuy rằng hai nước Nhật và Ấn đã đang có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Cộng chưa có thể giải quyết thích đáng, thỏa mãn các bên, Mỹ vẫn không muốn có dính líu vào chuyện tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải của bất cứ nước nào, trong khi Mỹ luôn luôn yêu cầu Trung Cộng và các nước khác phải tôn trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không.

Nói một cách khác là sự kết hợp tam giác của ba nước Mỹ, Nhật và Ấn cũng nhằm mục đích làm cân đối mậu dịch của ba nước này với Trung Cộng, bởi vì trong thời gian vừa qua chính sách xuất nhập cảng và chính sách tiền tệ của Trung Cộng đã gây ra sự mất thăng bằng cho nền kinh-thương của Mỹ-Trung Cộng, Nhật-Trung Cộng và Ấn-Trung Cộng. Tình trạng không cân đối mậu dịch sẽ được điều chỉnh, cải thiện tới một mức độ mà các bên có liên quan chấp thuận. Như thế thì liên minh Mỹ-Nhật-Ấn không phải để chống lại Trung Cộng khi Trung Cộng cũng phai tỏ ra hiểu biết những nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển toàn diện và phát triển trong tinh thần “Tôn Trọng Người, Tôn Trọng Mình” ở một môi trường phát triển ôn hòa, tôn trọng các luật lệ quốc tế và các quyền tự do.

Lẽ tất nhiên là công việc điều hành, làm tiến triển tốt liên minh Mỹ-Nhật-Ấn sẽ rất phức tạp bởi vì các quyền lợi thiết thực của mỗi nước có thể khác nhau với một mức độ nào đó. Cả ba nước Mỹ, Nhật và Ấn áp dụng nguyên tắc cư xử “tôn trọng người, tôn trọng mình” trong những cuộc đối thoại tham khảo ý kiến chung và thương lượng bình đẳng để có thể đạt được sự đồng thuận giải quyết vấn đề vì lợi ích chung của liên minh Mỹ-Nhật-Ấn, và vì an ninh, thịnh vượng của cả Vùng Châu Á Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nói chung.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo