"Anh" Thìn - Dân Làm Báo

"Anh" Thìn

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Vợ chồng “anh” Thìn ly hôn từ nhiều năm trước. Các con của họ đều đã trưởng thành. Hôm ấy đi gặp gia đình về, “anh” Thìn vui lắm, khoe: “Tao vừa lên chức bà ngoại. Gái lớn mới sinh con trai rồi”. Vẻ mặt hớn hở, “anh” Thìn lấy gói kẹo trong túi quà tiếp tế ra bảo tôi chia cho mọi người, coi như chung vui với “anh” được lên chức bà ngoại.

Cánh tù nữ thường gán ghép cho nhau đủ thứ danh xưng của cánh mày râu như ông, bố, chú, anh, cậu. Tuy lối xưng hô ấy chẳng giống ở đâu nhưng như thế nó... ngồ ngộ, và vui. Mà niềm vui đối với người tù thì quý giá lắm.

Ngoại trừ một số người là dân đồng tính thật sự, tức mang yếu tố sinh học, nhưng cũng không ít người tự biến mình thành người đồng tính vì... thích như thế, tức hoàn toàn xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Lúc còn ở ngoài, họ là những người rất bình thường, cũng lấy chồng, sinh con như những phụ nữ khác. Có lần, tôi đã nói đùa với cánh bạn tù rằng “Nhà tù là nơi lý tưởng để thực hiện một cuộc cách mạng về giới tính”. Mấy chị tù “có tật”, đấm thùm thụp vào lưng tôi chữa ngượng.

Trình tự của một cuộc “chuyển giới” không qua phẫu thuật trước tiên là cắt tóc ngắn, sau đó quẳng chiếc coóc-xê (thứ tố cáo “anh” vẫn là một mụ đàn bà) vào một xó và ăn mặc theo phong cách đàn ông. Đối với những chị có vòng ngực nở nang, việc giả trai khó khăn hơn vì hai quả đồi khi được thả rông cứ ngúng nguẩy theo chuyển động của cơ thể, trông đến ngượng mắt. Tức nhất là có đứa chửi đổng “trông chả ra dáng đàn ông gì cả, đúng là dở hơi”.

Tiếp theo là sự điều chỉnh về phong thái: từ dáng đứng, điệu đi, nết ăn đến giọng nói cũng phải mạnh bạo (pha chút hùng hổ), làm sao cho thật giống đàn ông. Và như thế, không ít những cô gái, những người phụ nữ, người mẹ từ bình thường đã tự biến mình thành những người khác biệt trong các trại tù.

Bước chân vào nhà tù - Trại 5 Thanh Hóa, chị Thìn cũng muốn coi mình như một người đàn ông. Vì thế mới có cái lối xưng hô kỳ cục là “anh” Thìn. Có một thứ chị Thìn không cần giả vờ cũng giống đặc đàn ông, đó là giọng nói. Tôi nhớ rất rõ hôm chị nhập buồng, cánh tù nhân chưa thấy mặt, mới chỉ nghe giọng nói của chị, tưởng cai tù vào sục (1) buồng đã vội vàng dập điếu thuốc lá, hoặc cuống quýt giấu vội ít tiền mặt. Hóa ra một chị tù mới! Cánh tù nhân thở phào.

Nhưng “anh” Thìn hiền lành và sống tử tế với các bạn tù, ít ra là với cảm nhận của tôi.

“Anh” Thìn nhập trại vào khoảng mùa thu năm 2011- tôi nhớ mang máng thế. Anh bị bắt vì tội “buôn bán trái phép chất ma túy” nhưng tôi không nhớ rõ anh bị kết án bao nhiêu năm. Giống như các tù nhân khác trong phân trại, nhất là với những người cùng buồng, “anh” Thìn cũng bị cảnh báo phải tránh xa tôi nếu muốn được yên thân. Nhưng chính sách cô lập của cai tù đối với tù nhân chính trị không phải lúc nào cũng có tác dụng. “Anh” Thìn là một trong những người tù dám vượt qua ranh giới cấm đoán để giao du với một “tên phản động” như tôi. Người ta gọi “anh” và những người dám chơi với tôi là kẻ “liều lĩnh”, hoặc “bọn không cần giảm án”.

Nếu không tính chị Trần Ngọc Anh, một dân oan Vũng Tàu đã về hết án hồi đầu năm 2012 thì tôi là tù nhân duy nhất trong Phân trại số 4 (K4) từ chối lao động. Trong mắt các tù nhân và cai tù thì tôi thuộc “thành phần chống đối lao động”.

Hàng ngày, cứ ra tới xưởng sản xuất là tôi lại ôm chiếu ra gốc cây ngồi đọc sách. Cũng có lúc, tôi rời “đại bản doanh” là cái gốc cây để đến chơi với bạn tù ở đội khác- những người quý mến tôi hoặc không sợ cai tù.

Chiều hôm ấy, “anh” Thìn đến chỗ tôi, bắt chuyện:

- Em bị tội gì?

Vốn dị ứng với câu hỏi đó, tôi trả lời với giọng hơi “gằn”:

- Em ấy à? Tội nói thật và tội yêu nước.

Nhiều người tù sau khi nhận được câu trả lời ấy của tôi thì bỏ đi (vì sợ), hoặc trố mặt ngạc nhiên. “Anh” Thìn hỏi tiếp, giọng có phần gấp gáp:

- Vậy em biết bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân chứ?

Tôi giật mình. Lưỡi líu lại không nói ra câu.

- Trời! Anh... anh... biết anh Sơn và anh Quân sao?

- Biết chứ, giam chung với nhau ở quận Hoàn Kiếm một ngày mà.

Tôi choáng váng, trống ngực đập thình thịch. 

Một trong những điều đáng sợ nhất là nhận được tin anh em của mình bị bắt. Trong suốt thời gian 4 năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do tôn giáo. Không ít người trong số đó là người tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp mặt. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm tù. Với tôi, Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân là hai người anh tôi rất trân quý. Nếu hai anh bị bắt, những anh em tranh đấu ở ngoài mà tôi quen biết chỉ còn lại mấy người.

Cố gắng lắm tôi mới thốt ra được một câu:

- Có nghĩa là cả anh Sơn và anh Quân đều bị bắt hả anh?

- Ừ! Sơn và Quân vào sau anh ít hôm. Sơn bị giam buồng giữa, anh và Quân hai bên. Sơn chủ động “còi”( 2) sang cho anh mà. Hai người bị bắt đêm mồng 4 tháng 4 nhưng đều bị chuyển đi vào đêm hôm sau.

- Anh có biết hai anh ấy bị chuyển đi đâu không? Mà anh có biết hai anh ấy bị bắt theo điều bao nhiêu không? Ngoài anh Sơn và anh Quân còn ai bị bắt nữa không? Tinh thần họ thế nào?

Tôi bắt đầu hỏi dồn.

- Anh không biết có ai bị bắt nữa không. Nhưng anh nghe Sơn và Quân nói thì anh biết họ là những người rất đặc biệt. Hình như là liên quan tới chính trị thì phải.

“Anh” Thìn bảo rất thích nghe giọng Nghệ An của anh Quân và ấn tượng với bài thơ “Cây tre” mà anh Sơn đọc trong buồng tạm giữ hôm ấy. “Anh” Thìn kể:

- Sơn hát nhạc Trịnh rất hay. Giọng Sơn ấm, truyền cảm. Quân thì ít nói hơn. Anh không thể ngờ trong chế độ này có những con người đáng quý như Sơn, như Quân và em. Rất không ngờ, dám chống chế độ cơ đấy.

“Anh” còn kể, hôm đầu tiên anh Phạm Hồng Sơn cất tiếng hát, tên cai tù đá cửa buồng giam rồi quát nạt, không cho hát tiếp.

- Hắn gọi Sơn là “thằng” và bảo “đi tù còn hát mới hò”. Thế là Sơn đi ra cửa, gọi “thằng cán bộ” đó lại và chất vấn. Vì “anh” ghé tai qua cửa để nghe mà. Đại loại Sơn bảo hắn không được gọi tù bằng “thằng, con” và không được có thái độ hống hách như thế. Sơn nói mấy câu thế nào mà thằng cai tù kia lỉnh mất.

Ấn tượng tốt đẹp của “anh” Thìn về hai người anh khiến tôi tự hào. Nhưng tôi không khỏi lo lắng và nghĩ tới những ngày tồi tệ của Phong trào tranh đấu bên ngoài. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn lại dăm ba người là... chưa bị bắt hoặc mới về hết án nhưng còn bị giam lỏng tại nhà.

Sự kiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt sau hàng loạt những vụ bắt bớ khác ít nhiều khiến tôi xuống tinh thần. Chị Hương, một người bạn tù khác buồng nói với tôi: “Phải nghĩ tích cực lên chứ. Em chả bảo chị là nhiều người trong số những người bị bắt, em còn chưa từng nghe đến tên của họ là gì. Chứng tỏ đang có thêm nhiều người cùng đấu tranh như em. Thế thì cần mừng chứ sao lại ủ rũ vậy”.

Ngày về, mẹ tôi “khoe”:

- Mấy hôm trước có anh Sơn và anh Quyền (chồng luật sư Lê Thị Công Nhân) tới thăm. Tôi lại nghĩ chắc anh Sơn mới ra tù. Lúc nhận được điện thoại chúc mừng của anh Lê Quốc Quân, tôi vô duyên đến mức hỏi đi hỏi lại: “Anh Quân tức là luật sư Lê Quốc Quân phải không ạ?” Rồi tôi lại hỏi tiếp: “Thế anh và anh Sơn ra tù bao giờ thế?”

Đến lượt anh Quân ngạc nhiên. Tôi nhắc tới chị Thìn, anh ngậm ngùi.

Lúc ấy, tôi mới biết hai anh bị bắt khi đến quan sát phiên tòa xử Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Và cả hai đều được trả tự do sau chín ngày bị tạm giữ.

Trở lại với câu chuyện về “anh” Thìn.

Từ hôm ấy, thi thoảng “anh” Thìn vẫn ra ngồi với tôi dưới gốc cây. Tôi hỏi “anh” có sợ không, đã bị cán bộ gọi đi uống cà phê (3) chưa? Anh bảo “người ta phấn đấu vào khung giảm, anh có phấn đấu cũng chỉ vào khung ảnh thôi. Với lại ngồi nói chuyện với em hay lắm. Sợ gì!”.

Sợ tôi quên, lần nào “anh” cũng nhắc nếu có dịp thì chuyển lời hỏi thăm của “anh” tới hai anh Quân và Sơn. “Anh” Thìn còn khoe: “Sơn cho anh địa chỉ nhà đây rồi. Ở ngõ 72 Thụy Khuê. Hết án nhất định anh sẽ tới thăm Sơn rồi bảo Sơn chở đến nhà Quân. Lúc ấy chắc sẽ vui lắm”.

Mấy tháng sau, tôi chuyển buồng và ở hẳn trong phân trại cho tới ngày ra tù.

Thời gian đầu, hôm nào tôi cũng trở lại buồng cũ chơi. Nhưng về sau ngày càng thưa dần, một phần vì đã quen với buồng mới, một phần có quá ít thời gian. Khổ nhất là về mùa đông, có hôm người tù đi làm về còn chưa ăn xong bữa cơm, có chị còn đang tắm dở đã bị lùa vào buồng.

Bẵng đi một thời gian, tôi mới gặp “anh” Thìn. “Anh” hỏi tôi có tin gì của anh Sơn và anh Quân thì cho “anh” biết. Tôi bảo, mấy tháng nữa em về thì mới có tin. “Anh” Thìn kêu dạo này hơi mệt. Mấy hôm sau, tôi nhờ người gửi cho anh ít đồ ăn.

Buổi chiều hôm ấy tôi đi dạo quanh sân chung. Đang giờ lao động nên trong trại vắng tanh. Một người tù đẩy một người tù khác trên xe lăn từ cổng phủ (4) đi vào.

Tôi đứng chết trân nhìn chiếc xe lăn tiến lại gần, sững sờ thốt lên: “Ôi! anh Thìn!”.

Anh gắng cười với tôi, thều thào: “Đi gặp gia đình về. Chắc lần cuối em ạ”.

Tôi lóng ngóng, không biết phải làm sao. Cô trực sinh ra hiệu cho tôi mang giúp ít đồ vào trong buồng. Hai cô cháu khó khăn lắm mới đỡ được “anh” Thìn ra khỏi chiếc xe lăn và đặt “anh” nằm xuống chiếu- tấm chiếu đơn đã bị cắt bớt một đoạn chiều ngang, để vừa đủ với tiêu chuẩn 60 cm chỗ nằm (5). Thân hình “anh” Thìn chỉ còn một dúm nhỏ, nằm co ro trên chiếc chiếu hẹp bỗng trở nên thênh thang. Cái dáng co ro của người tù rất khác với cái co ro của người bình thường. Cái co ro của người tù sắp chết càng đặc biệt. Tôi không biết phải diễn tả thế nào, nhưng không ít lần cái dáng nằm co ro ấy đã trở thành hình ảnh cuối cùng của những cuộc đời tù.

Bấy giờ tôi mới biết, “anh” Thìn đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS.

Hôm sau, một bạn tù khác dìu “anh” Thìn xuống Y xá. Ai cũng biết “anh” Thìn sắp chết, nhưng vì vẫn còn lê lết được (mặc dù phải có người dìu) nên anh phải đích thân đi trình diện cán bộ y tế để được cấp giấy nghỉ ốm. Tôi từng thắc mắc về cái sự bắt người tù bệnh nặng phải đi làm, hoặc được nghỉ nhưng hàng ngày vẫn phải đi trình diện, lấy giấy ốm. Câu trả lời tôi nhận được là: “Đây là quy định chung, cả nước đều thế chứ có riêng trại nào. Chúng tôi có tự bịa ra luật đâu. Đã là quy định thì phải tuân thủ, không còn cách nào khác”. Lạ! người cộng sản không bịa ra luật để cai trị người dân thì còn ai vào đây được nữa. Chắc luật trên trời tự nhiên rơi xuống!

Hôm sau nữa, tôi mang mấy hộp sữa tươi sang cho “anh” Thìn. Mấy người buồng cũ bảo: “Lưỡi trắng toát hết rồi, nổi cục lên, còn ăn uống được gì nữa đâu”.

- Anh Thìn ơi! Tôi khẽ gọi. “Anh” Thìn hé mắt, nhưng lại thiếp đi.

Đêm hôm ấy, “anh” Thìn đi bệnh viện, vài hôm sau thì chết. Nhưng cuộc vĩnh biệt với bạn tù đã được tính từ ngày “anh” rời trại. Lũ tù chúng tôi đều hiểu rằng, “đi bệnh viện” là để chết, là sẽ “thẳng ra Núi Mành”(6) chứ không phải để chữa bệnh. Trừ những trường hợp gia đình có nhiều tiền, khéo chạy chọt và không thuộc dạng bệnh hiểm nghèo thì người tù mới được đưa đến bệnh viện điều trị. Còn lại, các bệnh nhân khác đều phải chờ ngấp nghé cửa tử mới được mang tới bệnh viện để khỏi phải chết trong trại giam, một điều kiêng kỵ đối với bọn cai tù. Biết bao nhiêu trường hợp bệnh nhẹ thành nặng, bệnh nặng thành không cứu vãn nổi rồi chết oan chỉ vì không được chữa trị. Khi chết, người ta vẫn không cho mang xác về nếu người nhà không đủ tiền chạy chọt, lo lót. Nó giống như một hình thức mua bán xác tù nhân mà “bên mua” không có quyền mặc cả. Không ít gia đình đã phải đau xót, ngậm ngùi chấp nhận để người thân nằm lại Núi Mành, chờ đợi nhiều năm sau với những thủ tục nhiêu khê mới mang được thi hài tù về nhà.

Mang tới bệnh viện dù là để chết vào ngày hôm sau, coi như hoàn tất khâu cuối cùng cái gọi là “chính sách nhân đạo” của đảng đối với “phạm nhân”. Đấy! đi tù còn được khám chữa bệnh miễn phí, sướng thế... còn gì nữa.

Sau này, tôi được nghe anh Phạm Hồng Sơn kể rằng chị Thìn đã dùng cách riêng của mình để gửi cho anh và anh Quân mỗi người một suất lạc rang cho bữa chiều. Chi tiết này chị Thìn không kể với tôi. Ấy là nét khiêm tốn và chân thực của một con người chỉ dám nhận mình là “dân bụi đời” như chị Thìn.

Chị Thìn được tự do. Không phải thứ tự do đến từ tờ “lệnh tha” tên cai tù đọc trước xác chết của những người tù xấu số. Thoát kiếp đọa đầy, đấy là thứ tự do thật sự.

“Hết án nhất định anh sẽ tới thăm Sơn rồi bảo Sơn chở đến nhà Quân. Lúc ấy chắc sẽ vui lắm”. Lời hẹn ấy cứ văng vẳng bên tai tôi, buồn buồn, dìu dịu.

Kể câu chuyện này, tôi muốn cùng anh Sơn, anh Quân nhớ đến một người bạn tù đặt biệt: Chị Thìn.

Ba năm trước, cũng khoảng thời gian này, chị ra đi. Không biết bây giờ, thi hài của chị đã được đón về, hay vẫn còn nằm lại núi Mành?

Mùa thu năm 2015. 

Phạm Thanh Nghiên
danlambaovn.blogspot.com

_____________________________________

Chú thích:

(1) Sục buồng: Chỉ việc cai tù đột xuất kiểm tra buồng giam. Thường là sau khi được người tù- tay trong của cai tù “bẩm báo” để tìm kiếm và tịch thu vật cấm như: tiền mặt, điện thoại di động, các vật nhọn, thư từ chưa qua kiểm duyệt v.v… Ngoài việc tịch thu, “chủ nhân” của vật cấm sẽ chịu những hình thức kỷ luật tùy theo sự “ quyết định” của cai tù sau đó.
(2) Còi: Người từ buồng giam nọ gọi sang, nói chuyện với người ở buồng giam khác.
(3) Uống cà phê: Tiếng lóng của tù, chỉ việc người tù bị đi gặp“cán bộ”. Thường là chuyện không vui.
(4) Cổng phủ: Cổng trại.
(5) Chỗ nằm: 60 cm chiều ngang là tiêu chuẩn thực tế vì nhà tù luôn bị quá tải. Theo quy định (luật) thì chỗ nằm dành cho mỗi người tù là 2 m2, tức phải rộng 5 viên đá hoa 20cm, dài 10 viên.
(6) Núi Mành: Nơi vùi xác hoặc chôn cất những người tù.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo