Nhạc Vàng... nhạc đỏ! - Dân Làm Báo

Nhạc Vàng... nhạc đỏ!

Lão Trượng (Danlambao) - Gioachino Antonio Rossini (1792-1868) nhà soạn nhạc người Ý quan niệm: “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim” (The language of music is common to all generations and nations; it is understood by everybody, since it is understood with the heart). Thế nhưng cùng một dân tộc mà trái tim bị rướm máu sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi Cộng Sản thống trị Miền Nam Việt Nam. Và, nền Âm Nhạc Miền Nam Việt Nam cũng bị bức tử. Hầu hết các bản nhạc và nhạc sĩ của Miền Nam Việt Nam đều bị cấm, ngoại trừ những tên thuộc loại “thằng nhạc sĩ vàng chơi ghi ta đỏ, âm nhạc từ đó biến thành màu da cam” thì được lưu dụng.

Nếu quan niệm rằng âm nhạc là thế giới nội tâm của con người, niềm cảm xúc trong tâm hồn con người trước cuộc sống và khi nghe một tác phẩm âm nhạc, mỗi người cảm thụ theo sự rung động của riêng mình thì giai điệu và lời ca phải thể hiện cái Chân Thiện Mỹ.

Cộng Sản Miền Bắc muốn đem nhạc đỏ vào Miền Nam nhưng với lời ca như “Bọn giặc Mỹ cọp beo. Cái bọn giặc Mỹ cọp beo...” hay “Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước... Cầm gươm, ôm súng, xông tới!” nó chẳng phù hợp chút nào, không thể “ngửi” được nên dần dà nhiều ca khúc trước năm 1975 ở Miền Nam VN được sống lại và lan tràn, thịnh hành khắp nước, âm nhạc đã đi vào lòng người.

Đã 42 năm rồi, sự hận thù và đố kỵ với “nhạc vàng” nên CSVN tìm mọi cách ngăn cấm!

Theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA): “Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa - Thể Thao & Du Lịch vừa ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc. Đó là các ca khúc: Cánh Thiệp Đầu Xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng Xưa và Chuyện Buồn Ngày Xuân của tác giả Lam Phương, Đừng Gọi Anh Bằng Chú của tác giả Diên An, và Con Đường Xưa Em Đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.

Điển hình với lời trong ca khúc Con Đường Xưa Em Đi nó vô thưởng vô phạt nhưng chỉ vì hai chữ chiến trường mà bị cấm!

“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê 
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi 
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về 
Chiến trường anh bước đi 
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Hỏi còn ai cố tri”.

Từ California, nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hai bài hát vừa bị chính quyền Việt Nam đình chỉ lưu hành cho VOA biết ông không cảm thấy buồn vì lệnh đình chỉ này. Nhạc sĩ Lam Phương năm nay 80 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, giọng nói thay đổi vì bị đột quỵ. Ông nói như sau:

“Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có chuyện gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không để thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi.”

Cũng như nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Lê Dinh, đồng tác giả của bài hát quen thuộc Cánh Thiệp Đầu Xuân, hiện đang sống tại Montreal, Canada, không bận tâm lắm về lệnh hoãn lưu hành này. Nhạc sĩ Lê Dinh chia sẻ:

“Trước năm 1975 thì là của mình. Mình viết theo sự tự do của mình. Còn bây giờ thì họ muốn làm gì thì làm. Tôi không để ý tới. Lời ca thì viết theo chánh phủ của mình, Việt Nam Cộng Hòa. Họ muốn đổi thì đổi, muốn không hát thì không hát. Tôi không để ý tới. Đới với tôi là tác giả, không thành vấn đề....”

Nhạc sĩ Lê Minh, ở thành phố Sài Gòn, cho biết ông khá bất ngờ về lệnh hoãn này:

“Thật ra một bài hát có xuất xứ ra đời thì nó gắn liền với thời gian, gắn liền với một cột mốc nào đó. Thành ra những người yêu nhạc, người ta sống theo ký ước thì người phản ứng là đúng. Còn một số ca sĩ mình vì muốn được cấp phép mà trong khi Cục chưa ra thông báo cho phổ biến những bài đó thì họ có thay đổi ca từ. Trường hợp đó cũng rất nhiều, nhưng có những bài nó vượt qua luôn, chẳng hạn như bài Tôi Đưa Em Sang Sông, vì đời tôi là chiến binh thì người ta sửa lại là vì đời tôi là cánh chim bay khắp phương trời thì được lọt lưới luôn cho tới bây giờ vẫn còn hát. Hay là Trên Đường Đi Lễ Xuân Đầu Năm của Hoài An, đón xuân nơi trận tiền thì đổi thành đón xuân qua mọi miền thì cũng được cho hát tới bây giờ. Không nghe nói vấn đề cấm phổ biến. Riêng bài Con Đường Xưa Em Đi, theo tôi biết, lời của nó là chiến trường anh bước đi, thì có ca sĩ đổi lại là lối mòn anh bước đi, nhưng có ca sĩ vẫn để chiến trường anh bước đi, vẫn phổ biến trên mạng, trên YouTube hay trên các MV...”

“Sống lại trong lòng người ta không vì ca từ không thôi, mà còn còn giai điệu nữa. Nếu mà chúng ta xét nét từ câu từ chữ thì cũng dễ thôi. Nó là một sản phẩm văn hóa, tinh thần thì không có vấn đề gì hết. Cứ cho hát, ai thích cái gì thì chọn cái nấy. Có khi mình làm như vậy thì người ta tò mò thêm. Nói thật ra cái đó là sự xúc phạm đến người sáng tác...”

*

Trong bài viết Lại Bàn Về “Nhạc Vàng” của Trần Hải Âu. Trích vài điểm chính:

“...Sau 1975, trong một thời gian dài “nhạc vàng” bị cấm triệt để theo chỉ đạo văn hóa chính trị từ Hà Nội, cho mãi đến những năm 1990s khi Việt Nam mở cửa thì nó mới được dần từng bước được cho phép phục hồi.

Chuyện phân biệt “nhạc vàng” hay “nhạc đỏ” có thể là để phân biệt theo màu cờ “quốc-cộng” của hai phía lâm chiến từ những năm 1945 kháng chiến chống Pháp và “Quốc Gia Việt Nam”…

...Có điều cần được khẳng định: Trước 1975 không ai có khái niệm nhập nhằng đánh đồng “nhạc vàng” với “nhạc sến”. Hơn nữa, từ “sến” không hề được dùng để ám chỉ “nhạc vàng”. Chúng là hai phạm trù khác nhau.

..."Nhạc xưa... là những ca khúc trữ tình cách đây trên 30 năm, trên thị trường âm nhạc... được phân thành 2 loại: nhạc "sang" và nhạc "sến"… Khi công chúng quay lại với nhạc xưa phải chăng là giới nhạc sĩ hiện nay đã không có được những ca khúc làm thỏa mãn nhu cầu nghe của công chúng. Một thị trường âm nhạc bát nháo với những ca khúc đạo nhạc, ca từ nhảm nhí, gây sốc, giai điệu vô cảm... đã nói lên điều đó?...

...Điểm khác biệt giữa “nhạc tiền chiến” và “nhạc vàng” đậm nét ở chỗ: “nhạc tiến chiến” thì lãng mạn, buồn, tiếc nuối với mơ mộng cá nhân xa vời hảo huyền, không có giới hạn của thời gian, như trong nhạc của Văn Cao với Trương Chi, Thiên Thai... còn “nhạc vàng” cũng lãng mạn nhưng thấm đẫm u buồn của niềm đau tang thương của quần chúng, mang tính thời sự và ai cũng cảm thấy có tâm sự của mình trong ấy. Vì thế phải cần một thời gian dài suy ngẫm, và khi cơ hội đến đúng lúc các thế hệ trẻ sau chiến tranh và đồng bào ngoài bắc cùng thế hệ “nhạc vàng” mới có sự thông cảm và đồng cảm cho dòng nhạc buồn rười rượi này. Mà lạ lắm, đối với con người thì cái gì nghèo, buồn và dang dở thì nhớ da diết; chớ ít ai than vãn khi vui và đời thì khóc nhiều hơn cười.

Tuy nó có mang đủ thứ âm hưởng buồn não nề, thê lương, nghẹn ngào, đau đớn, tiếc nuối, ngầm chan chứa nỗi bất hạnh nhưng nó không hề toát ra nỗi uất hận người, hận đời... Nó vẫn còn ẩn mang một khát khao vượt thoát, một sự khoan thứ cao thượng, một sự nâng niu trân trọng tất cả những gì quý giá còn lại, dù là mỏng manh nhất, trong những gì bị coi là đổ vỡ, bị coi là thất bại... Một dòng nhạc, những ca khúc luôn có một dĩ vãng và khi người nghe đã từng trải nghiệm sống trong giai đoạn ấy thì mối cảm thụ lại càng thêm sâu sắc. Vì thế người ta vẫn còn thích và nhớ nhiều đến “nhạc vàng” vì nó đã ghi dấu một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước, chập chờn hư ảo với đói khổ, nghèo nàn, chết chóc, chia ly... mà trong văn học vẫn chưa có tác phẩm nào có tầm vóc, vô tư nói lên được nỗi khổ đau không thốt được bằng lời của dân tộc mà không bị vướng víu với lập trường chính trị. “Nhạc vàng” hay “nhạc sến” vẫn sống mãi như điệu bolero là thế.

...Vào những năm đầu 1990s, đất nước ngày càng thay đổi với thế hệ trẻ sau chiến tranh đang khao khát những hình thái nghệ thuật cởi mở thông thoáng hơn. Trong môi trường cung-cầu của thị trường kinh tế mới, khi di sản âm nhạc của miền bắc sau chiến tranh thật nghèo nàn không đủ cung cho nhu cầu mới nên dần dà người miền nam sử dụng lại những bản “nhạc vàng” gợi nhớ, rồi những băng đĩa từ hải ngoại đua nhau tràn ngập thị trường chui nội địa đã dấy lên một trào lưu “tìm về dĩ vãng”. Trước sức ép không ngăn cản nổi, các nhà lãnh đạo đã nới dần cho phép phổ biến “nhạc vàng”. Họ thấy rằng cấm mà nó vẫn được mọi người sính chuộng thì nên “cho phép” cho đắc nhân tâm...?

Các chế độ cũ trong nam thời chiến tranh đã bị xóa tên nhưng những di sản để lại trong nền văn học, nghệ thuật, văn hóa giáo dục với sự đóng góp của quần chúng trong đó có “nhạc vàng” không phải là không đáng trân quí. Thói thường xưa nay trong lịch sử nhân loại là dân tộc chiến thắng lại luôn sùng bái những giá trị văn hóa nghệ thuật của kẻ chiến bại; huống chi đây lại là di sản của đồng bào dân tộc. Cho nên cố gán ghép và đánh đồng một dòng nhạc phổ thông đại chúng phát triển mạnh mẽ trong nam theo trào lưu thế giới vào với những xấu xa của các chế độ chính trị cũ của miền nam để phê phán bừa bãi là một thái độ kém hiểu biết và thiếu nghiêm túc. Vả lại cái gì tồn tại được lâu dài chắc phải được quần chúng tán thưởng ủng hộ, trong đó có nghệ thuật phi chánh trị; vì thế nên gọi “nhạc vàng” đúng cách là “nhạc đại chúng” (pop music) trong thời chiến tranh…

… Các vụ thảo luận ồn ào về “nhạc vàng”, “nhạc sến”, “nhạc phản động” v.v... ở trong nước cho ta thấy có nhiều yếu tố phũ phàng khó chối cãi là: 1) Thái độ chính trị của Nhà Nước trước chính sách giao lưu cởi mở với thế giới bất khả phản hồi, cho nên việc cho phép “nhạc vàng” sống lại chỉ là hệ quả. Chính trị luôn là thành tố quyết định đời sống của xã hội. 2) Một số quan văn hóa “bảo hoàng hơn vua”, trước đây đã được đào tạo theo lối hàn lâm, lo sợ cho vị trí và quyền lợi của mình nên đưa ra nhiều đề nghị chống đối “nhạc vàng” lỗi thời mang tính phỉ báng thiếu cơ sở. 3) Tình hình yếu kém của nền tân nhạc hiện tại trong nước sau một thời gian dài “nhạc vàng” bị cấm vẫn không tìm được lối thoát nên dòng nhạc và nghệ sĩ cũ vẫn được dân chúng đón chào khi tái ngộ, chứng tỏ giá trị nghệ thuật nhất định của “nhạc vàng”. 4) Với trào lưu ảnh hưởng mạnh mẽ của Âu Mỹ qua internet ngày nay, chưa biết nghệ thuật của ta sẽ được gạn lọc như thế nào và đi về hướng nào trong mai sau. 5) Luật đào thải tự nhiên của người thưởng ngoạn trong thời kinh tế thị trường sẽ là người trọng tài vô tư nhất. Tương lai của “nhạc vàng” cũng sẽ có giới hạn của nó. Que sera, sera.

Mong các lời luận bàn về “nhạc vàng” một cách tiêu cực của các quan văn hóa (không chức vụ) nên chấm dứt từ đây; và lối đánh đồng “nhạc sến” với “nhạc vàng” chỉ làm cho mọi người cười cho sự hiểu biết nông cạn của mình cũng nên chấm dứt luôn”. (Trần Hải Âu) 

Vì Sao Công Chúng Yêu Mến Ca Khúc Trước 1975?. Qua sự nhận xét của giới âm nhạc thì:

“...Nhạc bolero mà có người gọi là “nhạc vàng”, hay “nhạc sến” là dòng nhạc thịnh hành và được hâm mộ trước năm 1975. Nhưng gần đây bolero bỗng trở thành một “món ăn” tinh thần thời thượng của khán giả, nhất là sau sự quay trở về của rất nhiều nghệ sĩ hải ngoại thành danh với dòng nhạc này, như tờ An ninh Thủ đô nhận định.

Dòng nhạc bolero từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại song song với dòng chảy âm nhạc Việt, cho dù xuất hiện nhiều xu hướng âm nhạc mới khi hội nhập với âm nhạc thế giới nhưng bolero vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán thính giả, đặc biệt ở lớp người cao tuổi, những người có tuổi trẻ gắn liền với dòng nhạc này... Theo nhạc sĩ Thụy Kha, nhạc bolero “là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Sự bùng nổ này không làm ảnh hưởng gì đến nền âm nhạc Việt Nam, cũng không khẳng định một điều gì. Sự xuất hiện của chúng là lẽ tự nhiên bởi đó là những phản ánh chân thực về thời cuộc. Bởi vậy cần để chúng tồn tại.”

Nhạc sĩ Lê Minh nhận định rằng, khi công chúng, trong đó giới trẻ, không thấy cái mới hay thì họ quay về cái cũ: "Thật ra khi cái mới không đáp ứng đủ nhu cầu, cái mới không hay hơn, không có cái gì đặc biệt hơn thì người ta quay về cái cũ. Vấn đề là có cung thì có cầu. Đó là vấn đề phát triển theo xu hướng của xã hội."

Theo ý kiến của Nguyễn Bắc Truyển: “...Ngày xưa thì có những vụ án như ‘Nhân Văn Giai Phẩm’ hay thời kỳ văn hóa của Trung Cộng. Đối với tình hình hiện nay thì khác biệt rồi: đó là truyền thông Internet. Trước đây hoàn toàn không có. Nhà nước có thể dùng quy định hành chánh để đàn áp, cấm đoán, nhưng người dân có một kênh riêng để phổ biến. Hơn nữa, hàng ngày người ta đi hát dạo trên đường phố vào buổi tối. Họ hát những bài nhà cầm quyền không cho phổ biến. Nhưng họ vẫn hát, vẫn ca, vẫn trình diễn trên đường phố. Tôi nghĩ rằng nếu nói có một vụ ‘Nhân Văn Giai Phẩm’ hay một cuộc ‘Cách mạng Văn hóa’ giống như Trung Cộng thì khó xảy ra lắm... càng cấm đoán, người ta càng rủ nhau hát nhiều hơn, vì tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền”.

Trở lại với những ca khúc vừa bị cấm. Bài viết của Vũ Đông Hà nhận định: 

“Nếu ai hỏi tôi rằng sau ngày 30 tháng 4, 1975 cái gì mà cộng sản không thể "giải phóng" được; cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại tâm hồn khô khốc của người dân miền Bắc lẫn nhiều cán binh cộng sản; cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa văn minh và man rợ, giữa nhân ái và bạo tàn, giữa yêu thương và thù hận; cái gì đã kết nối tâm hồn của những nạn nhân cộng sản ở cả hai miền Nam Bắc... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam…

...Từ những ngày xa xăm tuổi nhỏ, những người lính VNCH là thần tượng của chúng tôi. Tôi mơ được làm một người lính Dù bởi anh là loài chim quý, là cánh chim trùng khơi vạn lý, là người ra đi từ tổ ấm để không địa danh nào thiếu dấu chân anh, và cuối cùng anh bi hùng ở lại Charlie. Giữa những đau thương chia lìa của chiến tranh, những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh đã cho tôi biết thương yêu, kính trọng những người lính không chân dung nhưng rất gần trong lòng chúng tôi. Những"cánh dù ôm gió, một cánh dù ôm kín đời anh" cũng là những cánh dù ôm ấp lý tưởng đang thành hình trong tâm hồn tuổi nhỏ của chúng tôi.

Nhìn lại quãng thời gian binh lửa ấy, tôi nhận ra mình và các bạn cùng lứa không hề biết rõ Phạm Phú Quốc là ai, chỉ biết và say mê huyền sử của một người được "Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời. Đặt tên cho anh, anh là Quốc. Đặt tên cho anh, anh là Nước. Đặt tên cho Người. Đặt tình yêu Nước vào nôi", chỉ ước ao một ngày chúng tôi cũng được như anh, cũng sẽ là những "Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì!" Chúng tôi, nhiều đứa núi đồi, rừng rú, chưa bao giờ thấy biển nhưng thèm thuồng màu áo trắng và đại dương xanh thẳm, thuộc lòng câu hát "Tôi thức từng đêm, thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng. Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau. Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mà lòng thì chưa hề yêu ai".

Chúng tôi cũng không tìm đọc tiểu sử, cuộc chiến đấu bi hùng của Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, cũng không biết địa danh Charlie nằm ở đâu, nhưng Đại tá Nguyễn Đình Bảo là biểu tượng anh hùng của chúng tôi để chúng tôi thuộc lòng khúc hát "Toumorong, Dakto, Krek, Snoul. Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu. Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình. Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành." Chúng tôi không biết "Phá" là gì, "Tam Giang" ở đâu, nhà thơ Tô Thùy Yên là ai, nhưng "Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận. Em ơi, em ơi..." đã thân thiết chiếm ngự tâm hồn để chúng tôi biết thương những người anh chiến trận đang nhớ người yêu, nhớ những người chị, cô giáo của chúng tôi ngày ngày lo âu, ngóng tin từ mặt trận xa xăm.

Trong cái nôi của những ngày xưa thân ái ấy, từ nơi khung trời đầy mộng mơ của mình chúng tôi chỉ biết đến nỗi niềm của các anh bằng những "Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, Đời lính quen yêu gian khổ quân hành". Giữa mùa xuân pháo đỏ rộn ràng con đường tuổi thơ thì chính âm nhạc nhắc cho những đứa bé chúng tôi biết đó cũng là "ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm, có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm". Giữa những sum vầy bình an bên cạnh mai vàng rực rỡ, thì ở xa xăm có những người con rưng rưng nhớ đến Mẹ già và gửi lời tha thiết "bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..." Âm nhạc Việt Nam đã gieo vào tâm hồn chúng tôi hình ảnh rất bình thường, rất người, nhưng lòng ái quốc và sự hy sinh của thế hệ đàn anh chúng tôi - những người lính VNCH - thì ngời sáng. Và chúng tôi biết yêu thương, khâm phục, muốn noi gương các anh là cũng từ đó…

Gần 42 năm trôi qua, Âm Nhạc Miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản. Dòng suối trong mát ấy cũng cuốn phăng mọi tuyên truyền xảo trá của chế độ về xã hội, con người miền Nam trước 1975 cũng như về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của những người lính VNCH và tình cảm trân quý, yêu thương của người dân miền Nam dành cho họ.

Gần 42 năm trôi qua, trong tuyệt vọng của những kẻ thật sự đã thua trận trong cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt Âm Nhạc Miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bản in bài hát, những CD được sao chép, bán buôn... Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của người dân Việt, bất kể Bắc - Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975. Bạo tàn và ngu dốt có thể đem Âm Nhạc Miền Nam vào những danh sách cấm đoán vô tri vô giác, nhưng không bao giờ đem được Âm Nhạc Miền Nam ra khỏi con người Việt Nam...” (Vũ Đông Hà)

Ngày 20/3/2017, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng CSVN đã ban hành Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Trong đó có một số điều khoản như sau:

1. Phạt 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, nhân bản, phổ biến, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy...

2. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

3. Phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi bán, cho thuê, lưu hành hoặc tàng trữ bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

4. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Theo ghi nhận của Vũ Đông Hà thì “Nhưng cần đưa ra để làm nổi bật tính ngu dốt, bản chất hồng vệ binh, lề lối của những tên thảo khấu bắt chước học đòi làm "cách mạng văn hóa" của Mao, và âm mưu kiếm thêm chút tiền phạt vạ của dân nhằm gia tăng khả năng làm giàu cho lãnh đạo và nuôi dưỡng lũ bầy đàn còn đảng còn tiền”.

Ngay cả ca khúc Những Ngày Xưa Thân Ái của Phạm Thế Mỹ cũng bị cấm vì phiên khúc cuối bản nhạc với những câu:

“Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em...”

Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ đã công tác tại Phòng Văn hóa Thông Tin Quận 4 Sài Gòn, ông đã tích cực tham gia sáng tác theo phong trào do Đảng tổ chức, nhưng tiếc là không có một sáng tác nào lúc bấy giờ tương xứng với tài hoa đích thực của ông và hình như cũng không có ca sĩ nổi tiếng nào tự nguyện hát những nhạc phẩm này. Về hưu, sống âm thầm, thiếu thốn tại một căn nhà nhỏ ở Quận 4, Sài Gòn ông mất năm 2009, sau một thời gian dài bệnh tật, ở tuổi 79.

Điều nầy cho thấy CSVN đã “vắt chanh bỏ vỏ” ngay cả “nhạc sĩ nằm vùng” thì với những nhạc sĩ bị liệt kê “trốn ra nước ngoài theo địch” dĩ nhiên bị cấm lưu hành nhạc phẩm? Thế nhưng, có một số nhạc sĩ lại “muối mặt” quay về kiếm điểm với “nhạc đỏ” nhưng chẳng có ca khúc nào ra hồn! Âu cũng là bài học để đời “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!

Thiện tai!

20.04.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo