Không còn đúng nghĩa tiếng Việt (phần cuối) - Dân Làm Báo

Không còn đúng nghĩa tiếng Việt (phần cuối)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tất cả những "chữ nghĩa" dưới đây, cần nhấn mạnh chúng đều nằm trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chúng xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình (kể cả truyền hình quốc gia như VTV cho đến HTV, Vĩnh Long v.v...).

Hung khí nguy hiểm:

Tại điều 134, Luật Hình Sự (mới) nói về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác", khoản a (viết rằng) "Dùng hung khí nguy hiểm..."

Cũng theo "cái tứ" của ông Trương Minh Tuấn, đã gọi là "hung khí nguy hiểm" tất phải có "hung khí không nguy hiểm" (?!). Có ai chỉ giùm tôi "hung khí không nguy hiểm" là những "hung khí" nào?!

Riêng chữ "hung" đã đủ nghĩa, cần gì phải đưa thêm chữ "nguy hiểm" trong tội danh "cố ý gây thương tích..."(?). Một cây tăm xỉa răng, nếu dùng nó chọt vào tai hay vào mắt người ta, cũng có thể gây chết người hoặc thương tật nặng. Thế thì gọi cây tăm là "hung khí" hay "hung khí nguy hiểm"?

"Nhân danh nước CHXHCNVN"


Trên đây là bản án sơ thẩm của tôi. Tôi không biết nên dùng "Nhân danh nước CHXHCNVN" hay phải dùng "nhân danh Nhà nước CHXHCNVN"? Thắc mắc này, có lẽ phải nhờ giời luật sư, luật gia hồi đáp hộ. 

Riêng cá nhân tôi nghĩ, phải dùng "nhân danh Nhà nước CHXHCNVN" mới đúng nghĩa tiếng Việt.

"Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng"

Mời quý độc giả xem hình ảnh về tấm bằng có tên "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng" (*). "Mẹ", chắc chắn là (đàn) bà. Cần gì phải thêm chữ "bà" vào? Vậy, gọi "Mẹ Việt Nam Anh Hùng" có vẻ đã đủ? 

Nhưng, hãy suy nghĩ thêm chút nữa... 

Tiếng Việt cũng đẹp và phong phú như các ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, để chỉ người đàn ông cao thượng, khí phách, hiên ngang v.v... người Anh có chữ "hero"; "heroine" dành để chỉ phụ nữ. Trong tiếng Việt, chỉ người đàn ông như thế, người Việt dùng chữ "anh hùng", người phụ nữ khi có những tính chất như vậy, được gọi là "anh thư". 

Vậy, thay vì dài dòng tới 6 chữ như trên, người CSVN nên dùng "Anh Thư Việt Nam". 

"Xin"

Nếu chịu khó, kính mời quý độc giả vào google, sẽ tìm thấy rất nhiều chữ "xin tố cáo", "xin khiếu nại". Đã "tố cáo", "khiếu nại", nhưng nhiều lá đơn của người dân luôn "kèm" chữ "xin". Đây là cách dùng chữ rất sai.

Ai cũng biết, trong tiếng Việt, khi dùng chữ "xin", người nói (viết) muốn thể hiện lòng biết ơn, tính khiêm cung, thái độ trân trọng với khách thể. Ví dụ: "xin phép cho tôi ngắt lời anh...", "xin lỗi, anh vui lòng lặp lại, tôi nghe không rõ...", "em xin..." (người Bắc dùng rất nhiều chữ này, khi nhận một vật gì đó từ người đối diện) v.v... 

Chữ "xin" cũng được thay bằng chữ "vui lòng" hoặc "làm phiền", ví dụ: khi gọi điện thoại người ta hay nói: "Anh (chị...) vui lòng cho tôi nói chuyện với ông (bà v.v...)" hoặc "(làm phiền) anh (chị v.v...) cho tôi nói chuyện...". 

Hiện nay, chúng ta thấy "xin" rất nhiều: "xin chào ông (bà...)", "xin mời", "xin chúc mừng", "xin cám ơn", "xin kính mời", "xin trân trọng kính mời", "xin kính chào", "xin trân trọng kinh chào", "xin chân thành cám ơn", "xin được chúc mừng" v.v... 

Trước đây, người Sài Gòn không thường dùng chữ "xin" để ghép vào với những chữ "mời", "chào", "cám ơn", "chúc mừng" v.v... Thay vào đó, rất thường dùng: Chào (anh, chị v.v...). Cao hơn, dùng "kính chào". Cao hơn nữa, dùng "trân trọng kính chào". Song song đó, đối với những người thân quen, thương mến, người Sài Gòn dùng những chữ: "Thân chào", "mến chào". Hầu như vô cùng hiếm khi kết hợp chữ "xin" với chữ "chào" hay "mời", "cám ơn", "chúc mừng" v.v.... như hiện nay. Cách ghép chữ "xin" như phân tích trên, không phải cách nói hay và văn minh của tiếng Việt. Thêm vào đó, gần như khó tìm thấy những chữ "thân chào", "mến chào" trên tất cả các games show hay bài phỏng vấn nào đó, tại Việt Nam hiện nay.

Hãy cùng suy ngẫm, nếu như "cắt" chữ "xin" và "xin được" trong những ví dụ trên, câu văn vẫn đủ nghĩa, trang trọng và vẫn không hề kém lịch lãm, văn minh. Nếu tôi nhớ không lầm, cách ghép chữ "xin" (hình như) mới có khoảng 20 năm trở lại đây, xuất phát từ chương trình "SV96" do ông Lại Văn Sâm dẫn chương trình vào lúc bấy giờ. Chương trình "SV96" cũng có thể nói là chương trình "games show" đầu tiên tại Việt Nam. Dường như từ đó, chữ "xin" kết hợp với "chào", "mời", "cám ơn", "chúc mừng" v.v... mới ngày càng "phát triển".

Người Sài Gòn trước đây, luôn dùng: Mời (anh, chị, ông bà v.v...), kính mời (...), trân trọng kính mời (...). Chữ "cám ơn" cũng thế: "rất cám ơn", "chân thành cám ơn", "cám ơn rất nhiều"... Hoặc khi "chúc mừng", người Sài Gòn dùng trang trọng như: "nồng nhiệt chúc mừng". Chữ "chào", người Sài Gòn cũng dùng "hân hoan chào mừng (chào đón) ông (bà...)...", "vui mừng chào đón anh (chị...)" v.v...

Nói về văn phạm. Chữ "xin" thông thường phải đi liền với một danh từ, ví dụ: "xin lỗi", "xin phép", hoặc có thể thay bằng chữ "vui lòng", "làm phiền", "cảm phiền", "làm ơn" . Chữ "xin" không đi liền với một động từ khác, như: "xin mời", "xin chào", "xin cám ơn", "xin chúc mừng" v.v...), bởi "xin" là một động từ. Sau này, (hình như) giản lược nên người Việt dùng (ví dụ: Xin hỏi (thật ra, đầy đủ phải nói "xin phép anh, cho tôi hỏi"); Xin cám ơn (thật ra không ai nói: xin (phép) cám ơn anh (chị...)) và còn nhiều chữ khác ghép với chữ "xin". Cách dùng này không chuẩn trong tiếng Việt.

Khi tôi ở tù tại PA92, bất kỳ việc gì cũng phải "xin", ngay cả lọ mắm, chai nước tương của tôi, họ cũng buộc tôi phải "xin". Tôi giận quá, hét rất to: "Công an mà cứ muốn biến dân trở thành một thứ ăn mày! Hỏi sao dân tộc không bạc nhược! Dân tộc bạc nhược nên giặc Tàu mới hiếp đáp! Giặc Tàu hiếp đáp nên Tổ Quốc mới lâm nguy như ngày nay!"

Đó là kỷ niệm đáng buồn, có lẽ không chỉ riêng tôi!






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo